Phòng Trừ Khô Cành, Chết Nhánh Trên Cây Vú Sữa

Thứ tư - 30/03/2016 12:05
Thời gian gần đây rất nhiều nông dân phản ánh hiện tượng khô cành, chết nhánh xuất hiện trên cây vú sữa Lò Rèn ở Châu Thành (Tiền Giang) gây nhiều thiệt hại cho nhà vườn.
Phòng Trừ Khô Cành, Chết Nhánh Trên Cây Vú Sữa
Triệu chứng điển hình là cây bị suy yếu, lá nhỏ lại, bị rung đến trơ cành, trái bị héo, bị khô hay hóa nâu đen.
Theo ThS.Nguyễn Thành Hiếu (Viện nghiên cứu cây ăn quả miền Nam), Triệu chứng bệnh trên thường xuất hiện sau thu hoạch, không những bệnh tấn công những vườn vú sữa già cỗi, ít được cắt tỉa mà còn gây hại cả trên vườn chỉ vài năm tuổi. Kiểm tra và quan sát cho thấy rễ cám không còn, rễ thứ cấp bị thối nhũn, sau đó khô và hóa nâu; cây bị suy yếu, trong trường hợp nặng có thể bị chết. Nguyên nhân là do việc quản lý vườn và sử lý ra hoa có nhiều vấn đề. Lúc cây mang trái, sắp đến lúc thu hoạch, nhà vườn thường xiết nước để chuẩn bị cho ra vụ trái mới, khiến cây bị suy yếu; sau đó việc bón phân có nhiều đạm, tưới tràn và giữ nước trên bề mặt liếp làm cho bộ rễ tơ bị thối hoàn toàn (để cây ngừng sinh trưởng và chuẩn bị ra hoa) khiến cây không hấp thu đủ nước và chất dinh dưỡng, làm trái dễ bị khô héo và cây suy kiệt dần.
Có một số cành nhỏ mang nhiều trái bị cong, làm các mạch gỗ bị giãn ra nên không cung cấp đủ chất cho trái. Mặt trên của những cành này bị nứt nên dễ nhiễm nấm, làm cho bệnh nặng hơn. Nhà vườn cũng chưa có tập quán cắt cành, tạo tán, tỉa bỏ những cành kém hiệu quả, cành mang mầm bệnh, cành mang trái quá nhiều, cũng như thiếu biện pháp trẻ hóa, tạo cành mới cho cây.
Cây vú sữa chịu ngập úng kém nhưng cần đủ độ ẩm để phát triển, nên phải có bờ bao và cống bộng. Mặt liếp hoặc mô trồng phải cao hơn mặt nước trong mươn 50 – 80cm. Từ năm thứ 5 trở đi, cây bước sang giai đoạn cây cho trái ổn định, nên bón phân vào các giai đoạn: xử lý ra hoa, đậu trái, nuôi trái và trước thu hoạch; liều lượng tăng dần theo tuổi của cây. Rễ vú sữa cạn, nhiệt độ của đất cao vào mùa nắng sẽ ảnh hưởng đến bộ rễ, do đó cần phải tủ gốc giữ ẩm bằng lá vú sữa khô, rơm rạ, cỏ khô,... cách gốc 40 – 50cm. Vét bùn bồi liếp trên vùng đất thấp. Nên tỉa cành để cây vú sữa phân bố cành đều theo các hướng; khống chế chiều cao không quá 4 – 4,5m.
Sau mỗi vụ thu hoạch cần tỉa cành, mọc đứng bên trong tán, cành rũ, cành khô, ốm yếu, sâu bệnh,... để giúp cây thông thoáng và sớm ra chồi mới. Tưới nước thường xuyên 2 – 3 ngày/lần trong mùa khô để giúp hoa phát triển tốt, tăng đậu trái. Xử lý ra hoa cho vú sữa từ năm thứ 7 trở đi bằng phương pháp điều tiết nước và bón phân vào lúc chuẩn bị thu hoạch (khoảng tháng 11). Tuy nhiên, nên hạn chế giữ nước trên bề mặt liếp quá lâu làm hư bộ rễ, ảnh hưởng đến việc cung cấp nước, dinh dưỡng cho cây về sau. Khi phát hiện rễ bị thối, tiến hành tưới Ridomyl 72 WP, Nustar, Thiram 85 WP, Benomyl 50 WP, Derosal 60 WP liều lượng 30 – 50 g/10 lít nước/2 lần/năm, tưới đều xung quanh tán cây. Nên phun lên tán cây bằng thuốc Mancozeb, thuốc gốc đồng, gốc Propiconazole cho cây 25 – 30 ngày trước khi thu hoạch trái để diệt nấm gây hại trái và làm khô cành. Kết hợp rải Basudin 10 H, Regent 0,3 G (100 – 150 g/gốc), hoặc Sincosin kết hợp với Agrispon để diệt tuyến trùng trong đất. Trước khi xử lý nên xới nhẹ mặt liếp, xung quanh gốc cây và rải thuốc đều trên mặt đầu theo tán cây. Ngoài ra, có thể áp dụng biện pháp sinh học như bón phân hữu cơ, cung cấp nấm đối kháng như Trichoderma, chú ý là không nên cung cấp Trichoderma cho cây khi tưới thuốc trừ nấm mới 20 – 30 ngày.

Tác giả bài viết: Phương Duy

Nguồn tin: Báo Khoa học phổ thông, Số 19/10 (1394) 21-5-2010

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập121
  • Máy chủ tìm kiếm95
  • Khách viếng thăm26
  • Hôm nay132
  • Tháng hiện tại0
  • Tổng lượt truy cập272
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây