Bacillus spp. được biết đến rộng rãi là vi sinh vật có lợi với nhiều công dụng khác nhau như cố định nitrogen, kiểm soát sinh học (tuyến trùng, sâu, côn trùng, các mầm bệnh thực vật như nấm và vi khuẩn), hòa tan các loại khoáng, kích thích hệ thống phòng thủ của thực vật... Trước đây, các chủng Bacillus sp. được nuôi cấy phổ biến trên các môi trường truyền thống.
Sử dụng môi trường có nguồn gốc thực vật đang là xu hướng được quan tâm trên thế giới. Môi trường dựa trên nước ép trái cây cũng đã được áp dụng để nuôi cấy nhiều vi sinh vật khác nhau. Việt Nam có nguồn trái cây phong phú và đa dạng. Trong đó có nhiều loại trái cây sẵn có quanh năm với dưỡng chất dồi dào, có tiềm năng ứng dụng thay thế các lọại môi trường nuôi cấy truyền thống.
Vừa qua, nhóm nghiên cứu gồm Trần Đăng Khoa (Trường Đại học Tôn Đức Thắng), Võ Thị Xuyến (Đại Học Văn Lang), Nguyễn Thanh Nha và Nguyễn Như Nhứt (Công ty TNHH Gia Tường) đã thực hiện đề tài “Ứng dụng môi trường dựa trên nước ép trái cây để nuôi cấy Bacillus đối kháng nấm bệnh Phytophthora, Rhizoctonia và Sclerotium”. Nhóm tác giả đã sử dụng các loại trái cây giá thành thấp và có sẵn quanh năm như dưa hấu, ổi không hạt, thanh long, chuối và dứa để ép và tạo môi trường. Sau đó tiến hành nuôi cấy hai chủng Bacillus sp. B08 và B18.
Báo cáo viên Trần Đăng Khoa thuyết trình kết quả nghiên cứu.
Kết quả cho thấy nồng độ nước ép (tính theo nguyên liệu tươi), pH ban đầu, nồng độ thành phần môi trường truyền thống được bổ sung vào môi trường nước ép có ảnh hưởng lên sự tăng trưởng của Bacillus sp. B08 và B18. Sinh khối thu được sau khi tăng sinh của Bacillus sp. B08 và B18 vẫn giữ được hoạt tính trong việc đối kháng nấm bệnh. Đáng chú ý là khi bổ sung sinh khối P. capsici GTC 2.6.1 vào môi trường nuôi cấy làm gia tăng đáng kể hiệu quả ức chế của chủng Bacillus sp. B18 trên nấm bệnh này. Kết quả nghiên cứu ban đầu đã mở ra hướng mới trong việc lựa chọn môi trường tự nhiên để nuôi cấy Bacillus sp. cũng như các chủng vi sinh vật có lợi khác. Cách tiếp cận này an toàn với môi trường và được kỳ vọng giúp giảm chi phí sản xuất các loại chế phẩm sau này.
Kết quả nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí Notulae Botanicae Horti Agrobotanici Cluj-Napoca