Gia Tường, 2022, số 2
SÀNG LỌC VÀ NUÔI CẤY VI KHUẨN
ĐỐI KHÁNG NẤM BỆNH Phyllosticta sp.
Hồ Thị Tuyết Mai1, Ngô Thị Kiều Mi2, Lê Thị Cẩm Nhi2, Nguyễn Như Nhứt1,2,3
1Trường Đại học Tôn Đức Thắng, 19 Nguyễn Hữu Thọ, Phường Tân Phong, Quận 7, TP. Hồ Chí Minh
2Công ty TNHH Gia Tường, Kho C2, Lô D, Tổng kho Sóng Thần, Khu công nghiệp Sóng Thần 1, Dĩ An, Bình Dương
3Trường Đại học Khoa học Tự Nhiên, ĐHQG-HCM, 227 Nguyễn Văn Cừ, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
0349244018, kieumyngo255@gmail.com
Tóm tắt
Bệnh tàn nhang do nấm Phyllosticta gây ra trên Chuối đang rất được quan tâm do ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính thẩm mỹ của Chuối. Nghiên cứu này nhằm mục tiêu sàng lọc chủng vi khuẩn có khả năng ức chế nấm bệnh Phyllosticta sp. và lựa chọn một số điều kiện để nuôi cấy tăng sinh khối chủng chọn lọc. Kết quả cho thấy chủng Bacillus atrophaeus GTC 5.3.81 có hiệu quả đối kháng in vitro tốt đối với nấm bệnh Phyllosticta sp. GTC 2.11.1, đường kính vòng ức chế đạt 1,92 cm. Các điều kiện thích hợp để nuôi cấy chủng B. atrophaeus GTC 5.3.81 được lựa chọn dựa trên mật độ tế bào và hiệu quả đối kháng với nấm bệnh Phyllosticta sp. GTC 2.11.1 của canh trường sau khi nuôi cấy. Môi trường dịch chiết ruột quả Chuối già Nam Mỹ chín có pH ban đầu là 6,0 thích hợp để nuôi cấy chủng B. atrophaeus GTC 5.3.81. Canh trường lỏng thu được đạt Log mật độ tế bào là 8,60 (4,0´108 CFU/ml) và vẫn giữ được hoạt tính đối kháng cao. So sánh với nhiều báo cáo trước đây đã cho thấy tiềm năng ứng dụng của chủng B. atrophaeus GTC 5.3.81 trong phát triển sản phẩm để kiểm soát bệnh do nấm Phyllosticta sp. trên Chuối.
Từ khóa: Bacillus atrophaeus, bệnh tàn nhang, đối kháng, kiểm soát sinh học, Phyllosticta sp.