Gia Tường, 2012, số 7
NGHIÊN CỨU IN VITRO ỨNG DỤNG KẾT HỢP NHIỀU LOÀI
Trichoderma ĐỐI KHÁNG Fusarium spp. GÂY BỆNH TRÊN ỚT
Lê Nhan Đăng Khoa(1), Nguyễn Thị Cẩm Vi(1), Nguyễn Như Nhứt(2)
(1)Đại học Tôn Đức Thắng Ngành Công Nghệ Sinh Học
(2)Chi nhánh Công ty TNHH Gia Tường tỉnh Bình Dương
Tóm tắt
Trong những năm gần đây, việc sử dụng biện pháp sinh học phòng chống bệnh hại cây trồng đã và đang tiếp tục được đi sâu nghiên cứu. Một trong những biện pháp sinh học phổ biến là sử dụng chế phẩm có Trichoderma. Bằng phương pháp khảo sát khả năng đối kháng trên thạch đĩa, kết quả cho thấy mỗi chủng Trichoderma có hiệu quả đối kháng khác nhau với bốn chủng Fusarium (NBTn01, NBTn02, NBTn03 và NBS05). Trong số mười chủng Trichoderma có bốn chủng có khả năng đối kháng tốt với hầu hết bốn chủng Fusarium. Chủng Trichoderma T14 đạt hiệu quả đối kháng 41,32%-100%, chủng TM2 đạt hiệu quả 41,88%-100%, T17 đạt từ 38,72% đến 67,16% và chủng T20 đạt 38,35%-59,42% sau 4 - 7 ngày. Khi cấy đối kháng đồng thời giữa tổ hợp hai chủng Trichodema với Fusarium thì tất cả các tổ hợp tương thích và tương thích một phần đều cho hiệu quả đối kháng được tăng cường so với khi nuôi cây đối kháng riêng lẻ từng chủng Trichoderma. Trong đó, tổ hợp TM2-T14, TM2-T17, TM2-T20 và T17-T20 có hiệu quả ức chế tốt với cả hai chủng nấm bệnh Fusarium NBTn02 (đạt 100%) và NBTn03 (đạt 47,08%-100%). Qua nghiên cứu cho thấy có thể ứng dụng chế phẩm sinh học kết hợp nhiều chủng Trichoderma để tăng khả năng kiểm soát nấm bệnh Fusarium.