Gia Tường, 2009, số 1
NGHIÊN CỨU KHẢ NĂNG KHÁNG NẤM VÀ TẠO CHẾ PHẨM
SINH HỌC TỪ Trichoderma
Nguyễn Đình Khôi Nguyên(1), Nguyễn Xuân Ánh Nguyệt(2)
Nguyễn Như Nhứt(2)
(1)Đại học Tôn Đức Thắng Thành phố Hồ Chí Minh
(2)Chi nhánh Công ty TNHH Gia Tường tỉnh Bình Dương
Tóm tắt
Ở nước ta, công tác phòng trừ bệnh hại cây trồng áp dụng bằng nhiều phương pháp, trong đó, biện pháp hóa học vẫn được xem là hữu hiệu nhất. Tuy nhiên, xu hướng hiện này trên thế giới là sử dụng các biện pháp sinh học để sản xuất sản phẩm sạch và an toàn cho con người và môi trường. Cùng với xu hướng đó, trong nghiên cứu này, bằng phương pháp đối kháng trực tiếp trên đĩa thạch, kết quả cho thấy trong số 8 chủng Trichoderma, chủng T02 có khả năng đối kháng với nấm bệnh Sclerotium rolfsii với hiệu quả đối kháng đạt 65,78%, chủng T12 cho hiệu quả đối kháng tốt với nấm bệnh Rhizoctonia solani đạt 63,70%, chủng T21 cho hiệu quả đối kháng tốt với nấm bệnh Phytophthora capsici đạt 100% và chủng T27 đối kháng tốt với cả ba loại nấm bệnh với hiệu quả 62,44% - 100%. Chế phẩm bào tử thu được sau khi nuôi cấy bán rắn vẫn giữ được khả năng kiểm soát nấm bệnh trên đĩa thạch với hiệu quả đối kháng đạt 52,22% - 64,00% tại thời điểm 4 ngày. Điều kiện thích hợp để nuôi cấy thu nhận bào tử trên môi trường bán rắn từ chủng T02 và T21 là cám mì 6,3 g, xơ dừa 2,7 g, dung dịch khoáng Cao’ 5 mL và nước 6 mL; từ chủng T12 là bã khoai mì 6,3 g, rơm 2,7 g, dung dịch khoáng Cao’ 5 mL và nước 6 mL và từ chủng T27 là cám mì 8 g, xơ dừa 2 g, dung dịch khoáng Adekunle’ 5 mL và nước 5 mL. Các nghiên cứu bước đầu đã cho thấy có thể sử dụng các phế phụ liệu nông nghiệp trong nước để sản xuất chế phẩm sinh học kiểm soát nấm bệnh cây trồng từ Trichoderma.